[tintuc]

Cần popping cấm gốc Banax

“Thế nào là một cây cần tốt nhất?”. Câu hỏi này được đặt ra rất nhiều lần trên các diễn đàn Popping thế giới. Và câu trả lời cũng rất đơn giản nhưng không kém phần “phũ phàng”, rằng làm gì có cây cần nào tốt nhất.
Thế giới popping có rất nhiều loại cần đạt chất lượng cực kỳ cao. Nhưng đây là một môn chơi mà yếu tố chọn cần câu đúng, phù hợp với người chơi quan trọng hơn rất nhiều so với việc đi tìm một loại cần được cho là tốt nhất, đắt tiền nhất.
Vậy, thế nào là một cây cần đúng và phù hợp? Người bắt đầu chơi GT cần phải biết tìm cho mình loại cần vừa đảm đương việc quăng mồi, vừa có thể chiến đấu với cá, vừa bền bỉ với thời gian. Cũng như nhiều môn thể thao khác, trang bị đúng đồ nghề sẽ giúp người chơi khám phá hết mọi “ngóc, ngách” của môn chơi, khám phá hết khả năng của bản thân, tận dụng được tất cả năng lực của đồ nghề và việc chơi sẽ hết sức thú vị nhờ luôn chủ động trong mọi tình huống. Trang bị đồ nghề phù hợp sẽ không biến bạn thành gã luôn rầu rĩ, tiếc nuối, vì mình chưa đủ kinh nghiệm, kiến thức nên đã khiến bản thân vừa tốn tiền quá mức, vừa chơi kém hiệu quả.

Người bắt đầu chơi GT cần phải biết tìm cho mình loại cần
vừa đảm đương việc quăng mồi, vừa có thể chiến đấu với cá
Cần câu GT có loại dài, loại ngắn, loại cứng, loại mềm. Cần dài quăng mồi rất tuyệt nhưng ngắn thì dễ chiến đấu với cá hơn. Cần cứng điều khiển mồi Popper tốt hơn nhưng sẽ bị làm khó khi chiến đấu với cá. Cần đọt mềm thì tốt cho mồi stickbait nhưng lại không hay lắm với mồi Popper…v…v…Trước khi chọn cần câu GT, người mua cần tìm hiểu và trả lời các câu hỏi sau:
Muốn một cây cần chuyên biệt hay tổng hợp?
Không phải cần câu GT nào cũng giống nhau, chúng cũng không phải được làm cho cùng một mục đích. Trong cần câu GT, có 2 loại luôn ở thế đối kháng là cần mảnh, nhẹ dành cho mồi Stickbait và cần hạng nặng dùng để câu loại mồi Popper miệng lớn (còn gọi là mồi Chugger).
Đọt cần câu Stickbait được thiết kế nhỏ, dịu, dễ đàn hồi, dễ uốn cong để truyền hành động cho mồi Stickbait bơi trên mặt (surface stickbait). Hiện có rất ít hãng sản xuất chịu làm cần chuyên cho mồi stickbait. Cần nói thêm rằng, mồi Stickbait có 2 loại: mồi bơi trên mặt (surface stickbait) và mồi chìm sâu (sinking stickbait). Chỉ có loại mồi stickbait bơi trên mặt mới cần đến cần câu chuyên biệt. Cần Stickbait hiện có loại lên tới PE10 (130lb++). Hãng Carpenter (Nhật Bản) có dòng cần PE8 chuyên cho mồi Stickbait là Blue Lagoon, Endless Passion và Coral Viper. Ngoài ra, một số hãng khác như Hots, Zenaq, FCL và Daiwa… cũng có cần câu phù hợp với mồi Stickbait.

Về cơ bản, một cây cần Stickbait phải có phần đọt và phần blank phía trên mềm, dịu và chỉ ở các khu vực đó, độ dẻo không cần tăng dần lên. Tuy nhiên, hiện nay, hãng Carpenter có xu hướng làm cho cần stickbait có phần dẻo dần lên, xuyên suốt toàn bộ blank cần. Cần câu chuyên biệt và hiệu quả cho mồi stickbait bơi trên mặt là loại cần có đọt mềm, dịu, dễ uốn. Đặc điểm này hết sức quan trọng với mồi stickbait nhưng lại đối nghịch với cần câu mồi Popper. Dù cần Stickbait PE8 vẫn điều khiển được mồi popper lên đến 140gram, nhưng về lâu dài, điều này sẽ làm cho cần bị bảo hòa và khó mà điều khiển mồi popper thực sự hiệu quả.
Cần chuyên cho mồi Popper thường có đọt rất mạnh, rắn chắc, để điều khiển loại mồi popper miệng loe lớn. Hầu như hãng làm cần GT nào cũng đều có cần Popper hạng nặng, thông số lên đến PE12 (170lb) ví như Carpenter SP78UHL, BG Jack và Patriot Design Fire Vortex. Cần lưu ý rằng điều khiển được mồi Popper lớn không đơn giản chỉ là mua về một trong những loại cần này. Câu đến PE12 nghĩa là bạn phải dùng nó trong một buổi câu dài, với những con mồi popper nặng 250gram cùng  hàng loạt phụ tùng đi kèm. Ít ai có thể biết được thế nào là giữ chặt một cây cần PE12 trước sức vùng vẫy của một con cá lớn trong 10 phút.
Thị trường có nhiều tên tuổi lớn đã làm nên những chiếc cần GT huyền thoại, ví như cần Wild Violence của hãng Carpenter hay Komodo Dragon của nhà Smith. Đây là những “gương mặt” tiêu biểu của ngành công nghiệp cần câu GT bởi chúng có blank rất đặc biệt, hành động chậm (slow action), những đặc điểm đặc trưng của dòng cần Popper hạng nặng. Tuy rất danh giá nhưng những cần này được đánh giá là không được lý tưởng lắm với mồi Stickbait, dùng tốt với mồi Popper ở kích thước nhất định, và chắc chắn là không hiệu quả bằng loại cần Popper đọt cứng thật sự. Mồi Popper càng lớn thì càng cần phải quét cần mạnh hơn.

Trọng lượng và kích thước nào của loại mồi sẽ được sử dụng?
Trọng lượng và kích thước loại mồi mà người mua sẽ sử dụng có vai trò quan trọng trong việc chọn cần. Trên cần câu thường ghi rõ thông số mồi (trọng lượng mồi mà cần có thể quăng hiệu quả). Hãy chú ý khoảng giữa. Ví dụ, cần cho phép mồi từ 150-250gram Popper, hãy lấy con số 200gr làm giới hạn cho cần. Luôn sử dụng mồi trong giới hạn của cần là lời khuyên hữu ích của các chuyên gia câu GT.

Khi mua cần, nhiều người thích chọn loại cần có dải mồi rộng, điều đó cũng dễ hiểu vì cần câu hiện đại sẽ đáp ứng được yêu cầu này. Cho ví dụ, cần Komodo Dragon của hãng Smith có khả năng quăng mồi popper 100gram rất hoàn hảo, nhưng nó hoàn toàn có thể đảm đương được với loại mồi 200gram. Hay như Wild Violence của nhà Carpenter, có thể quăng mồi trọng lượng nhẹ tốt hơn loại có cùng phân cấp là SP78UHL, một cây cần có cùng thông số nhưng được thiết kế chuyên cho mồi Popper miệng cực lớn.

Hãy tìm ra loại cần phù hợp với trọng lượng mồi mà bạn muốn quăng.

Thế nào là quăng tốt và cần phải quăng bao xa?

Thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có quyết định đúng trong việc chọn chiều dài và action cần câu.

Nhìn chung, một cây cần dài có action mạnh sẽ rất dễ quăng (mức độ dễ tăng dần theo độ tăng của action cần câu), nói điều này là không tính đến, phần trăm rất nhỏ, những người có hành động quăng nhanh ở những nơi mà họ có thể quét những loại cần có action fast. Thêm nữa, một bộ đồ câu nhẹ sẽ dễ quăng hơn là loại nặng.

Quăng được xa đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có sự phù hợp đồng bộ giữa cần, máy, dây, mồi. Học để quăng đúng cách là yêu cầu cần thiết của trò chơi GT. Quăng tốt nhất sẽ bắt được nhiều cá nhất. Chiều dài của cần là “Vua” khi đề cập đến các yếu tố giúp quăng tốt. Cần câu GT là một sự “thỏa hiệp”, được cái này thì mất cái khác. Đã biết câu GT ai chẳng muốn có cây Carpenter Long Reef để quăng mồi ra, nhưng khi đóng cá thì lại ước ao có Carpenter OH55XHS (jigging rod). Cần dài thì quăng xa nhưng cần ngắn mới đủ sức (nhờ thoải mái) bẩy cá. Các câu thủ câu Quốc Tế thường sử dụng loại cần có chiều dài từ 7,5 - 8,25 feet (2.28-2.5 m). Người giỏi quăng thì dùng cần 7,5-8 feet (2.28-2.43m), ngược lại không quăng tốt thì chọn cần dài, tùy năng lực cá nhân.

Cần câu GT trên thị trường hiện nay dài đến 8.5 feet (~ 2.58m), thậm chí dài hơn, chủ yếu là của nhà Carpenter. Điều này cũng góp phần giúp người câu tìm ra những điểm có thể quăng thật xa. Trong các dòng cần trứ danh của Carpenter có cần Long Reef và Endless Passion, chiều dài của chúng lên đến 9 feet (~2.74m).

Quăng được đến đúng điểm là rất quan trọng. Như đã nói, quăng được xa không chỉ nhờ vào cần câu, mà còn có sự phối hợp đồng điệu với máy và dây câu. Ví dụ dùng dây PE6 của Varivas nối với dây ngọn mono 130lb sẽ quăng xa hơn nhiều so với khi dùng dây braid 130lb của Jerry Brown, nối với dây dù lớn se lại làm dây ngọn.

Trọng lượng cần bao nhiêu là phù hợp?
Trọng lượng cần (thông số dây ghi trên cần) được xác định dựa vào thể lực và địa hình mà người mua sẽ câu.Về nguyên tắc, đã tham gia vào môn GT, câu thủ nào cũng đủ khả năng điều khiển thiết bị câu của mình. Nhưng không phải ai cũng biết rõ đồ câu nặng sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc quăng xa. Rồi những lúc phải gồng người giữ cho chặt cây cần đang bị tác động bởi một lực kéo dữ dội trong hàng chục phút. Ấy là chưa kể đến cú sốc khi cá lớn tấn công với sức mạnh có thể kéo phăng cần đi. Nếu muốn mua đồ câu GT hạng nặng (PE12) hãy nghiệm xem liệu bạn có thể giữ được cần ít nhất là 15 phút ở mức hãm thông thường?, nếu không thể làm điều này thì bộ đồ câu đó sẽ quá khổ với bạn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu ai đó chỉ mới tìm hiểu trò chơi GT này, đừng để bị phân tâm bởi những lời tư vấn thiển cận, rằng phải sắm đồ câu GT cỡ PE12 mới đủ sức bắt cá. Nói vậy không có nghĩa là chẳng ai có thể câu được với cần PE12. Nhưng số người đủ thể lực và sức mạnh để làm điều này quả rất ít. “Mua 1 cây cần vượt quá sức là vô ích, nó sẽ làm bạn mất sức khi bạn chiến đấu với cá lớn, hãy chọn loại phù hợp với bạn”, những câu “comment” kiểu này rất thường gặp trên các diễn đàn Popping. Nhiều lời khuyên cũng đề cập đến việc chọn cần nhẹ. Một bộ câu nặng sẽ khó mà lôi cá lên thuyền. Ngược lại, bộ câu vừa sức sẽ dễ câu và hạ cá rất hiệu quả. Thêm vào đó, bộ đồ câu nặng sẽ ảnh hưởng lớn đến khoảng cách quăng mồi, một yêu cầu quan trọng vào bậc nhất trong GT fishing.

Đặc điểm riêng của mỗi nhà sản xuất
Không như suy nghĩ của nhiều người khi chọn cần câu, việc tìm hiểu điểm đặc trưng của các nhà sản xuất là rất cần thiết trong việc chọn cần câu phù hợp. Cho ví dụ, cần GT, cũng PE12, nhưng mỗi hãng lại có đặc điểm riêng. Làm một so sánh nhỏ giữa HOT’S Gipang 77XXH (PE12) và Carpenter SP78UHL (PE12), các chuyên gia cho biết họ có cảm giác SP78UHL mạnh hơn đáng kể . Còn Black mafia 76 của Patriot Design thì còn mạnh hơn nữa.

Hầu như nhà sản xuất nào cũng thích đề cập đến mức tải của cần tính bằng ki-lo-gam. Riêng về chỉ tiêu này, mỗi hãng lại có một con số (dù đều là PE12). Tiêu chuẩn chung trong ngành chế tác cần câu là mức tải tối đa của cần (max drag) được tính khi cần ở góc 45 độ. Nhưng thực tế thì không hề có sự thống nhất giữa các hãng. Cần Komodo Dragon trứ danh của Smith có mức tải max 10kg. Trong khi một số công ty mới nổi đã có những tuyên bố “điên rồ” rằng cần PE8 của họ có thể tải đến 26 ki-lô-gam.

Một chỉ tiêu thường được chọn để tạo dấu ấn riêng cho từng hãng nữa là chiều dài cán cần. Gần như nhà sản xuất nào cũng có thông số riêng. Ví dụ chiều dài cán cần Caranx Kaibatsu của Shimano dài hơn 5 inches so với chiều dài trung bình của toàn ngành. Loại cán dài này chỉ phù hợp với các câu thủ cao lớn, tay dài. Nhưng nếu người câu chỉ cao tầm 1m68 thì sẽ thấy rằng cần này không phù hợp.

Patriot Design thường sử dụng khoen Fuji chân thấp chứ không phải loại khoen truyền thống Fuji Super Ocean (MNSG và ICMNSG). Và họ chỉ cung cấp thêm loại cần có khoen Fuji Super Ocean này như là một sự tùy chọn cho khách hàng.
Cần Popping cấm gốc Ecooda

Ngân sách
Giá cần câu GT trên thị trường thường tương ứng với chất lượng và thương hiệu. Ở mức giá thấp nhất có T-Curve GT Special của hãng Shimano. Mức cao nhất là Fisherman với khoen Gold Cermet có giá từ 2500 USD.

Sau đây là một số thương hiệu phổ biến trên thị trường (những thương hiệu được đề cập bên dưới chỉ mang tính đại diện):

- Mức giá ~400 USD: Shimano Ocea Offshore và T-Curve. Khá nặng, ít cân bằng, chất lượng tạm ổn.

- Mức giá 650 – 700 USD: Daiwa Saltiga S Extreme 76GT PE8 và S Extreme 76GTXX PE12. Saltiga luôn là dòng cần tuyệt vời nhưng theo quan điểm của một số chuyên gia, chúng chưa phải là cần GT đúng nghĩa. Theo họ, thế hệ trước, loại GT 86 là quá dài và quá dịu còn nay, loại S Extreme nói chung là quá ngắn so với nhu cầu của thị trường. Thêm vào đó, thị trường cần câu PE12 đã bị thu hẹp đáng kể. “Tôi không có ý định làm nản lòng các tín đồ của Daiwa, nhưng tôi nhận thấy, dường như họ không buồn để ý đến những yêu cầu cốt lõi của môn GT”, một chuyên gia bày tỏ, “Trong môn thể thao này, chúng ta có xu hướng muốn biết ai là Field Tester (người thử nghiệm, kiểm tra cần câu trước khi tung ra thị trường- PV), nhưng khi đề cập đến vấn đề này, họ (Daiwa) lại không hề có thông tin gì. Thật là uổng phí vì Daiwa sở hữu công nghệ Graphite rất tuyệt vời. Họ có đủ khả năng để làm những loại cần dẫn đầu thị trường”.

- Số lượng các loại cần popping bậc trung đã tăng đáng kể trong hơn 2 năm qua. Một trong những thương hiệu đáng lưu ý là Kaiser, được đánh già là có giá trị tuyệt vời so với giá cả. Thông số chiều dài và trọng lượng rất phù hợp với những gì mà thị trường đang tìm kiếm.

- Có một thị trường cần câu hạng sang nữa đang tồn tại và ngày một lớn mạnh. Trong đó phải kể đến thương hiệu HOT’S, ZENAQ, YAMAGA BLANKS… Đây là các hãng có những dòng cần rất xuất sắc, thông số từ nhẹ đến mạnh, giá dao động trong khoảng 700 USD -950 USD.

- Bước vào phân khúc cao cấp nhất của thị trường, phân khúc cần GT Premium, có thể tìm thấy các thương hiệu như Fisherman, Patriot Design, Sevenseas, Carpenter, Smith…v…v… Đây là những thương hiệu trứ danh trong ngạch sản xuất cần câu GT, đã làm ra những dòng cần vô cùng xuất sắc, là niềm mơ ước của triệu, triệu tín đồ Popping trên khắp thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia câu Popping, ngoài Fisherman, hãng có những loại cần được làm bằng chất liệu rất đặc biệt, kết cấu blank cần của các thương hiệu kể trên không khác nhau nhiều nhưng giá cả thì khác nhau đáng kể, dao động trong khoảng 1000-2500  USD. Và ở mức giá này, nó thật sự xứng đáng với công sức nghiên cứu của bạn. Vì chỉ cần một quyết định mua yếu kém, nóng vội, bạn có thể trả giá bằng rất nhiều tiền. Đến cấp bậc này, khoảng cách hơn kém giữa loại này với loại khác là rất thấp. Tất cả đều là những dòng cần huyền thoại đã được chứng minh trên nhiều đại dương khắp Thế Giới. Quyết định chọn loại nào chỉ là cảm tính mà thôi. Chỉ cần hiểu rằng, chúng là những thương hiệu, không phải là công cụ. Thương hiệu danh tiếng hẳn nhiên sẽ tạo ra những công cụ (cần câu) tuyệt vời, giúp ích cho người câu rất nhiều. Nhưng nếu là một câu thủ có năng lực, bạn sẽ có cách hạ gục cá cho dù là dùng loại cần T-curve 500 USD hay cây Fisherman 2500 USD.

(Hết phần 1)

Xem phần 2
Xem phần 3
Xem phần 4

[/tintuc]

Liên Quan

Sản phẩm mới

Sản phẩm bán chạy

Cần Lure

Cần 2 khúc

Cần 3 khúc

CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK

THỐNG KÊ TRUY CẬP

chia sẻ kinh nghiệm Xem tất cả

Tin tức Xem tất cả

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

Hotline: 0987 926 535 - 0968 554 609
(từ 8h00 đến 20h00 tất cả các ngày)

Chát trực tuyến
0987926535